Ngành thép trước áp lực cạnh tranh từ Nga

Ngành thép trước áp lực cạnh tranh từ Nga
Ngày đăng: 12/10/2020 08:43 AM

    Theo thông tin từ Bộ Công thương, bộ này mới nhận được công văn của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nêu ý kiến với phương án thuế nhập khẩu của Việt Nam khi đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan: Nga - Belarus - Kazakhstan.

     

    Theo Hiệp hội Thép, ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép lớn nhất thế giới là Nga, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.

    Trong khi các Bộ, ngành đang xây dựng phương án thuế nhập khẩu mặt hàng thép nói riêng và các mặt hàng khác của Việt Nam nói chung trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUTFA), thì ngành thép mới đây cũng kịp bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

    Theo VAS, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép lớn nhất thế giới là Nga, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi đó, ngành thép Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt xa cầu. Vì thế, ngành thép VN có nguy cơ phá sản nếu Hiệp định trên được ký kết, khi thuế suất nhập khẩu thép bằng 0%. Do đó, Hiệp hội này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương đàm phán, đưa mặt hàng thép xây dựng VN vào mặt hàng được bảo hộ, có lộ trình.

    Hiệp hội Thép cảnh báo: “Ngành công nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh cực kì khủng khiếp với người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép thế giới là Nga, thậm chí sự cạnh tranh còn lớn hơn rất nhiều so với nước láng giếng Trung Quốc”.

    Hiện tại, theo số liệu được VSA dẫn chứng, tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm 2013 khoảng 4.000 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Con số này có thể không tăng trưởng hoặc giảm sút phụ thuộc rất lớn từ số lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn cũng như chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với các mặt hàng này.

    Vì thế, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính. Đồng thời, Hiệp hội Thép cũng đề nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước.

    Theo Bộ Công thương, thép là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay.

     (Theo Báo Xây Dựng)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Zalo
    Hotline